Danh mục sản phẩm

Hỗ trợ trực tuyến

Tư vấn bán hàng - 0932 500 758

Tư vấn bán hàng - 0932 500 758

Kết nối với chúng tôi

Thống kê truy cập

  • Đang online 0
  • Hôm nay 0
  • Hôm qua 0
  • Trong tuần 0
  • Trong tháng 0
  • Tổng cộng 0

Rác thải nhựa: Cơ hội mới cho ngành xi măng, thép và điện?

Rác thải nhựa: Cơ hội mới cho ngành xi măng, thép và điện?

Ứng dụng công nghệ đồng xử lý (co-processing) hứa hẹn mang đến tiềm năng lớn cho các ngành công nghiệp dùng nhiều năng lượng như sản xuất xi măng, thép và điện

Tiến sĩ - nhà khoa học Kåre Helge Karstensen, Giám đốc Chương trình OPTOCE.

Rác thải nhựa đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn trên toàn cầu. Nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm phần nào xử lý tình trạng rác nhựa lan tràn trên các đại dương.

Một trong số này là Dự án Biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn (OPTOCE), được tài trợ bởi Chính phủ Na Uy thông qua Cơ quan Hợp tác Phát triển của Na Uy (Norad). Dự án do Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy (SINTEF) thực hiện tại 5 nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trong dự án OPTOCE với công nghệ đồng xử lý (co-processing), rác thải nhựa không thể tái chế sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất. Năng lượng thu hồi được từ quá trình đốt rác nhựa này sẽ giúp các nhà máy giảm lượng than tiêu thụ.

Với công nghệ này, hiệu quả năng lượng cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng (WtE) thông thường. Không chỉ mang lại hiệu quả về chi phí, phương pháp này không làm phát sinh các chất tồn dư, đồng thời giảm đáng kể phát thải khí nhà kính (GHGs) so với hình thức chôn lấp và đốt rác.

Trao đổi với VnEconomy, Giám đốc Chương trình OPTOCE, Tiến sĩ - nhà khoa học Kåre Helge Karstensen đã có những chia sẻ về dự án, cũng như những tiềm năng đối với các ngành công nghiệp sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng tại Việt Nam.

Đồng xử lý rác nhựa - cơ hội cho nền kinh tế tuần hoàn

Đồng xử lý rác thải nhựa trong sản xuất xi măng là công nghệ khá phổ biến tại châu Âu và Mỹ, nhưng còn khá mới tại Việt Nam và một số nước châu Á. Ông có thể chia sẻ lý do 5 quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam được chọn tham gia dự án OPTOCE? Và những điểm mới của công nghệ đồng xử lý là gì, thưa ông?

Dân số tại 5 quốc gia này là khoảng 3 tỷ người, trong đó khoảng 1 tỷ dân sống gần sông, hồ, biển, thải ra 176.000 tấn rác nhựa mỗi ngày, tương đương 64 triệu tấn mỗi năm. Các nước này chưa đủ sức để xử lý lượng rác thải khổng lồ đó.  

SINTEF đã thực hiện nhiều nghiên cứu cụ thể và thấy rằng 5 quốc gia sản xuất khoảng 75% tổng sản lượng xi măng toàn cầu. Ở 5 nước, hàng chục nghìn nhà máy của các ngành này tiêu thụ một lượng than khổng lồ và phát thải tới 30% khí thải nhà kính toàn cầu. 

Trong khi đó, rác thải nhựa là một loại nguyên liệu hoá thạch và thậm chí còn chứa nhiều năng lượng hơn than. Nếu rác nhựa có thể được dùng để thay thế một phần than trong quá trình sản xuất thì đây cơ hội mà các bên đều có lợi, góp phần giải quyết mối đe dọa từ nhựa và giảm phát thải khí nhà kính.

Trong số 5 quốc gia, Myanmar là nước tiêu thụ nhựa thấp nhất thế giới. Sở dĩ, chúng tôi chọn Myanmar tham gia dự án này là vì quốc gia này đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ giống như Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Hiện tại có thể mức tiêu thụ nhựa của họ thấp, nhưng trong tương lai con số này sẽ tăng lên. Vì thế, Dự án này có thể giúp Myanmar nâng cao nhận thức, tránh đi vào "vết xe đổ" khi sử dụng nhựa tràn lan và xử lý chưa tốt như Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2015, thế giới đã thải ra 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ có 9% được tái chế, 12% được đốt và 79% được chôn lấp. Nếu các phương thức xử lý rác thải như hiện nay được tiếp tục, tới năm 2050, sẽ có gần 12 tỷ tấn rác nhựa tại các bãi chôn lấp hoặc xả vào môi trường tự nhiên. Đứng ở góc độ hiệu quả sử dụng tài nguyên, cần phải ngăn chặn việc chôn lấp rác nhựa, bởi cách làm này có thể chuyển hóa nhựa thành khí methane và vi nhựa.

Tái chế rác thải nhựa là một giải pháp được ưu tiên, nhưng không phải mọi loại rác nhựa đều có thể tái chế. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm đến từ nhựa tái chế cũng không cao vì giá thành thấp, chi phí đầu tư cho tái chế thì đắt đỏ, trong khi các vật liệu thay thế lại rất nhiều. 

Phương pháp đồng xử lý giải quyết được các vấn đề này.

Tại Na Uy, từ 30 năm trước, các nhà máy xi măng của chúng tôi đã sử dụng rác thải và rác hữu cơ để thu hồi năng lượng cho các nhà máy, thay vì sử dụng than. Hiện tại có những nhà máy xi măng đã thay thế hơn 70% lượng than tiêu thụ bằng các loại rác, trong đó có rác nhựa. Phương pháp này hiệu quả về chi phí, sử dụng tài nguyên hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn nhiều so với phương pháp đốt rác hoặc chôn lấp. Với phương pháp này, hiệu quả năng lượng thu hồi là 100% so với 20% của các nhà máy đốt rác; đồng thời không để lại chất tồn dư, so với khoảng 30% tồn dư tại các nhà máy đốt rác. 

Đây chính là cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn, sử dụng rác thải nhựa làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp hiện tại, nhờ đó giúp giảm nhu cầu đối với các nhà máy đốt rác và bãi chôn lấp. 

Dự án mang tính khu vực

Dự án này đã được triển khai tại 5 quốc gia trên như thế nào, thưa ông?

Giai đoạn đầu tiên của dự án, gồm nghiên cứu và tìm hiểu các đối tác tư nhân của chúng tôi đã xong rồi, bây giờ là giai đoạn thực hiện, để qua đó khẳng định và nhân rộng phương pháp đồng xử lý của dự án. 

Ở mỗi nước, chúng tôi có cách tiếp cận khác nhau, với nguồn rác nhựa khác nhau. Ở Thái Lan, chúng tôi bắt đầu từ các bãi chôn lấp – nơi có 42% nhựa không thể tái chế. Thái Lan hiện có khoảng 2.500 bãi chôn lấp rác, trong đó có khoảng 190 triệu tấn rác nhựa. Chúng tôi phân loại rác ngay tại bãi chôn lấp rồi sau đó chuyển sang các nhà máy sản xuất xi măng.

Ở Trung Quốc, chúng tôi có 2 dự án thử nghiệm, thực hiện trên thượng nguồn của sông Dương Tử, tại Đập Tam Điệp và chủ yếu lấy rác nhựa trôi nổi trên sông. 

Còn ở Ấn Độ, chúng tôi thực hiện 4 dự án thử nghiệm và mỗi dự án có một nguồn rác nhựa khác nhau lấy từ bãi chôn lấp, hệ thống kênh rạch…

Tại Việt Nam, dự án thử nghiệm của chúng tôi có cách tiếp cận khác với các nước trên. Chúng tôi thí điểm phương pháp đồng xử lý với Nhà máy giấy Lee & Man ở Cần Thơ và nhà máy xi măng INSEE ở Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang. Giấy nguyên liệu của Lee&Man chủ yếu được nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Sau khi sơ chế giấy nguyên liệu, một lượng lớn nhựa không thể tái chế sẽ được lọc bỏ và chuyển tới INSEE. 

Sắp tới, ngoài dự án thử nghiệm ở Hòn Chông, chúng tôi sẽ làm một dự án thí điểm nữa ở Bình Dương. Chính phủ Na Uy và Chương trình Phát triển của Liên hiệp Quốc (UNDP) sẽ cùng nhau thực hiện một Dự án phân loại rác thải sinh hoạt và quản lý nhựa tại 5 địa phương trong đó có Bình Dương.  Chúng tôi dự kiến sẽ sử dụng các rác thải nhựa thu gom được từ Dự án này cho một nhà máy xi măng để tiếp tục thí điểm công nghệ đồng xử lý.

Riêng ở Myanmar, dù chúng tôi đã triển khai dự án này, nhưng các nhà máy xi măng ở đây chưa sẵn sàng áp dụng phương pháp đồng xử lý. Vì vậy, dự án của chúng tôi ở Myanmar hiện tại chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức và đào tạo.

Hiện nay, tổng sản lượng xi măng của 5 nước này là 2,8 tỷ tấn mỗi năm, sử dụng 289 triệu tấn than/năm. Nếu dùng rác nhựa không thể tái chế để thay thế, họ có thể giảm được 29 triệu tấn than tiêu thụ mỗi năm, tương đương khoảng 10%. Nếu muốn tiếp tục giảm lượng than tiêu thụ, ta có thể tính tới việc thu hồi năng lượng từ các loại chất thải khác, như chất thải rắn.

Với tất cả dự án thử nghiệm mang tính khu vực này, mỗi năm chúng tôi sẽ tổ chức một diễn đàn để các nước tới tham gia và học hỏi các kinh nghiệm của nhau.

Mục đích của chúng tôi là tất cả các nước ASEAN sẽ tham gia và góp phần giảm đáng kể lượng rác thải ra biển, đặc biệt là thải từ đất liền; thúc đẩy sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường khả năng nghiên cứu và ứng dụng kiến thức khoa học vào việc đưa ra các chính sách. 

Lợi ích "khổng lồ" cho doanh nghiệp tư nhân

Theo chia sẻ của ông có thể thấy lợi ích với môi trường của dự án này là rất rõ ràng. Ông có thể cho biết thêm về những lợi ích đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân, cũng như phía cơ quan quản lý nhà nước khi tham gia vào dự án này? 

Với dự án này, chúng tôi muốn có sự đồng hành của các doanh nghiệp tư nhân trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Khối tư nhân sẽ là những đối tượng có động lực và được hưởng lợi khi thay thế các nguyên liệu hoá thạch như than, tiếp nhận rác thải nhựa không thể tái chế để thu hồi năng lượng cho các nhà máy của mình. 

Đây gọi là nền kinh tế tuần hoàn. Trước đây, nền kinh tế của chúng ta mang tính tuyến tính, tức là các lĩnh vực độc lập với nhau. Nhưng giờ đây, với nền kinh tế tuần hoàn, ta tận dụng cả chất thải, thậm chí rác thải bỏ của ngành này có thể dùng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành khác, để không có gì bị lãng phí cả. Đây là mô hình phát triển bền vững, sử dụng năng lượng hiệu quả và là nền kinh tế tuần hoàn xanh. Có ba lợi ích lớn đối với các doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ đồng xử lý.

Thứ nhất, họ giảm được đáng kể chi phí sản xuất nhờ thay thế than bằng rác thải nhựa không thể tái chế. Khi chi phí đầu vào giảm, giá thành sản phẩm của họ cũng giảm theo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh. 

Thứ hai, đôi khi các doanh nghiệp được trả tiền để tham gia vào quá trình xử lý chất thải. Ví dụ INSEE hiện là nhà máy xi măng duy nhất ở Việt Nam đang ứng dụng phương pháp đồng xử lý và sử dụng rác thải nhựa từ 3 nơi là Bình Dương, Đồng Nai và Tp.HCM. Ba thành phố này tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, trong đó có nhiều công ty quốc tế như Nike. Các công ty như Nike có trách nhiệm xử lý chất thải của mình và họ sẵn sàng trả tiền để INSEE giúp họ. 

Lợi ích thứ ba có tính tương lai: Tín dụng các-bon. Tại châu Âu và thậm chí cả Trung Quốc, một nhà máy phải trả tiền hàng năm để phát thải khí CO2 và lượng phát thải khí CO2 được ấn định theo hạn ngạch. Vì vậy, nếu thay thế than bằng rác thải nhựa, rõ ràng lượng phát thải khí CO2 sẽ thấp đi, từ đó tiết kiệm được tiền. Ngoài ra, nếu không dùng hết, các nhà máy có thể bán hạn ngạch phát thải của mình cho các nhà máy khác. Hiện tại, ở Việt Nam điều này chưa khả thi, nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ được thực hiện.

Còn ở góc độ của chính phủ, cần lưu ý một điều quan trọng là khi tham gia vào quy trình đồng xử lý, các doanh nghiệp sẽ tự đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Do đó, chính phủ không cần phải đầu tư mà chỉ cần xây dựng quy chế cho các nhà máy vận hành và nguồn rác thải cho họ. Mọi thứ còn lại sẽ do khu vực kinh tế tư nhân tự làm. Như tại Trung Quốc, năm 2005, chỉ có một nhà máy xi măng duy nhất ứng dụng phương pháp đồng xử lý này, nhưng sau 13 năm, hiện đã có hàng trăm nhà máy. 

Phía cơ quan quản lý: cần biến quyết tâm chính trị thành hành động

Ông nhận định thế nào về tiềm năng nhân rộng mô hình này tại Việt Nam và hiện có tồn tại rào cản nào cho việc nhân rộng hay không? 

Sau thời gian thử nghiệm tại Trung Quốc và Ấn Độ, chúng tôi thấy rằng đã có rất nhiều đơn vị tư nhân tham gia. Vì thế, mục đích của dự án này nâng cao nhận thức trong ngành công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước để họ thấy được lợi ích và tham gia. 

Việt Nam có ngành công nghiệp xi măng rất phát triển, đồng thời có nguồn rác thải nhựa lớn, đặc biệt là quanh các vùng biển. Do đó, tiềm năng để nhân rộng mô hình này rất lớn. 

Nhìn vào khối doanh nghiệp, lợi ích là rất lớn nhưng lợi nhuận chắc chắn không thể đến đến ngay. Nếu đồng ý tham gia dự án, họ phải đầu tư một chút vào cơ sở vật chất để thu gom và sơ chế. Nhưng dần dần, chi phí đầu vào trong sản xuất của họ sẽ giảm, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh. 

Tại Việt Nam, chúng tôi đã đề xuất mô hình này với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam, Cục Quản lý Chất thải. Sắp tới chúng tôi dự kiến làm việc với hiệp hội xi măng, để từ đó đưa ra các kiến nghị. Dự án OPTOCE sẽ làm việc với Tổng cục Môi trường, trực thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, các Sở Tài nguyên Môi trường, các tổ chức trong nước, quốc tế và khu vực tư nhân để thúc đẩy hình thức đối tác công tư trong việc thu gom rác thải và sử dụng làm nguyên liệu cung cấp năng lượng cho các nhà máy xi măng. 

Hiện tại, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước, hiệp định về môi trường toàn cầu, trong đó có Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tại Liên hiệp quốc mới đây nhất ở New York, các nước thành viên đã nhấn mạnh đến vai trò của các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều nhiên liệu, vào việc giảm bớt lượng phát thải khí nhà kính. Sớm hay muộn, họ sẽ phải chung tay. Giờ đây, cần phải nâng cao nhận thức. Còn về phía cơ quan nhà nước, cần biến quyết tâm chính trị thành những hành động cụ thể.

Rác thải nhụa được thu gom và phân loại từ các nguồn khác nhau chuyển đến lò nung.

https://vtv.vn/video/su-dung-rac-thai-nhua-lam-nhien-lieu-dot-cho-lo-nung-xi-mang-672530.htm 

Theo VNECONOMY

Bài viết gốc tại đây: https://vneconomy.vn/rac-thai-nhua-co-hoi-moi-cho-nganh-xi-mang-thep-va-dien.htm

 

 

Bình chọn tin tức

Bình chọn tin tức: (5.0 / 1 đánh giá)

Bình luận

Top

   (0) Zalo